QUYỀN VÀ CỦA

 Đức Giê-su có nói về “Cai trị và phục vụ”. Ngài nói: “Anh chị em biết, nhà cai trị đàn áp dân mình và kẻ quyền lực lạm dụng quyền mình đối với người khác. Anh chị em không nên làm như thế, nhưng ai trong anh chị em muốn làm người lớn, thì hãy làm kẻ phục vụ, và ai trong anh chị em muốn làm kẻ cao nhất, thì hãy trở nên nô lệ cho anh chị em mình. Bởi vì Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và để hiến đời mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Phục vụ và vâng lời là hai đặc điểm cơ bản trong lời dạy của Đức Ki-tô và trong đời sống Giáo Hội. Các ý niệmđó ngày nay chẳng còn phổ thông lắm. Có cái gì ẩn chứa đàng sau các ý niệmđó không?

Quả thật Tin Mừng đưa ra một chương trình đối lập với mốt sống tân tiến hiện tại. Nó đề ra một thứ lạc hậu lành mạnh, nhằm kéo chúng ta ra khỏi khuynh hướng cai trị và muốn chiếm đoạt. Và chính ai không thuộc vào hàng ngũ những kẻ quyền lực, người đó là kẻ may mắn, khi nhận ra được rằng, chính kẻ quyền lực sẽ không được phục vụ nơi bàn tiệc cuộc đời. Họ là kẻ may mắn, khi nhận thức được rằng, quyền và của mà mình nhận được là một sứ mạng, để qua đó mình trở nên kẻ phục vụ.

Tôi tin rằng, câu người cai trị nên trở thành kẻ phục vụ, và việc chính  Đức Giê-su đã thực thi điều đó qua hành động của Ngài, là một cuộc cách mạng đúng nghĩa có khả năng làm đổi thay thế giới. Bao lâu người ta coi quyền và của tự chúng là cùng đích giá trị, thì quyền luôn cũng là quyền chống lại người khác, và của luôn cũng là của chỉ riêng mình.

Chính khi vị Vua vũ trụ tới và làm công việc của kẻ nô lệ là rửa chân cho kẻ khác – đây chỉ là một trong muôn vàn thí dụ của cả cuộc đời phục vụ của Ngài – lúc đó chúng ta có một hình ảnh hoàn toàn khác. Thiên Chúa đầy quyền lực đã không dẫm đạp ta, mà trái lại cúi xuống để nâng ta lên ngang tầm với Ngài. Thiên Chúa có thể trở nên bé nhỏ, đó là tất cả bí ẩn trong cái cao cả của Ngài. Ngài không bước xuống từ bệ cao, và cũng không an ngự nơi tầng trên. Với cử chỉ hạ mình đó, Ngài muốn thay đổi ý nghĩvề quyền lực và về cai trị nơi ta. Ngài chỉ ra, khi ta có thể sai khiến đám đông và có được mọi thứ mình muốn, lúc đó ta đang rơi vào nhỏ mọn – còn khi ta phục vụ kẻ khác, đó là lúc ta trở nên cao cả.

Một khiêu khích quái gỡ.

Chấp nhận điều đó là cả một cuộc cách mạng. Cách mạng này chẳng bao giờ đơn giản chỉ bằng hành động mà thôi, mà nó luôn đòi hỏi một cuộc trở về nội tâm – nhưng đây là cuộc trở về lành mạnh và quan trọng nhất trong mọi cuộc trở về. Chỉ khi nào quyền lực được thay đổi từ trong, chỉ khi nào ta thay đổi từ trong thái độ của ta đối với của cải, và khi ta chấp nhận lối sống suốt đời rửa chân của  Đức Giê-su, thì lúc đó thế giới mới trở nên lành mạnh, và con người mới có thể sống hạnh phúc bên nhau.

Một tuyên ngôn.

 Đức Giê-su là khuôn hình mà con người cần đi theo, là đích điểm mà chúng ta phải đạt tới.

38 năm sau khi Goethe mất, diễn ra một cuộc họp lớn giữa các cụ già trong lòng đại thánh đường thánh Phê-rô ở Rô-ma, và họ đã đi tới một quyết định – quyết định tán đồng với Mephisto [nhân vật trong ở FAUST của Goethe]. Công đồng Vaticano I tuyên bố vào ngày 24.04. 1870: “Mẹ Giáo Hội thánh này xác quyết và dạy rằng, Thiên Chúa, nguồn cội và mục tiêu của mọi sự, có thể nhận biết được bằng ánh sáng tự nhiên của lí trí được tạo thành của con người.”

Một quyết định đầy bí ẩn. Phải chăng Công đồng đã đề cao lí trí quá đáng? Phía Tin lành phản đối ngay. Họ bảo, chỉ có mạc khải, lời Chúa, Kinh Thánh và đức tin – chứ không phải chút ánh sáng leo lét của lí trí con người – mới là đường dẫn tới Thiên Chúa. Karl Barth, có lẽ là nhà thần học tin lành lớn nhất trong thế kỷ 20, về sau cho hay, chỉ vì hậu quả của tuyên bố đó mà ông không thể nào trở thành công giáo được. Nhưng Công đồng vẫn khẳng định: “Ai bảo rằng, ánh sáng tự nhiên của lí trí được tạo dựng của con người không thể nhận biết được Thiên Chúa độc nhất và chân thật, Người là hoá công và Chúa của chúng ta, kẻ đó sẽ mang lấy vạ tuyệt thông.”

Trích từ: Thiên Chúa. một chút lịch sử Đấng vĩ đại nhất (Câu trả lời Kitô giáo cho vô thần). Tác giả : Manfred Lütz. Dịch giả: Phạm Hồng Lam